Một chiếc Boeing 787 Dreamliner đang dược lắp ráp tại nhà máy của hãng ở North Charleston, South Carolina (Ảnh: AFP).
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị tung ra một đòn trả đũa thương mại cứng rắn trị giá tới 114 tỷ USD, trong bối cảnh căng thẳng với chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng leo thang. Nếu các cuộc đàm phán hiện tại không đạt được tiến triển, EU sẽ áp thuế bổ sung lên hàng loạt mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ, trong đó nổi bật là máy bay Boeing và ô tô.
Theo kế hoạch, danh sách áp thuế sẽ được Ủy ban châu Âu – cơ quan điều hành chính sách thương mại của khối – công bố trong ngày 8/5. Các mặt hàng công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong gói trừng phạt thuế quan này, bên cạnh thực phẩm và nông sản. Một khoản phụ phí đáng kể dự kiến sẽ áp lên máy bay Boeing, nhằm tạo “sân chơi công bằng” với Airbus – đối thủ châu Âu từng bị Mỹ đánh thuế dưới thời Trump.
Động thái của EU được xem là phản ứng trực tiếp đối với mức thuế phổ quát 20% mà ông Trump áp lên gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ châu Âu, dù mức này hiện đang tạm giảm xuống 10% đến tháng 7. Ngoài ra, các mức thuế bổ sung 25% áp lên ô tô và kim loại cũng đang làm gia tăng căng thẳng thương mại song phương.
Trong khi Boeing vẫn chưa phản hồi chính thức, cổ phiếu của hãng đã giảm 1,3% tại New York ngay sau thông tin trên. Dù vậy, tính từ đầu năm, cổ phiếu hãng vẫn tăng hơn 4% nhờ cải thiện chất lượng sản xuất.
Bên trong nhà máy sản xuất máy bay Boeing
EU hiện lo ngại rằng các cuộc điều tra thương mại từ Mỹ có thể khiến 97% kim ngạch xuất khẩu của khối – tương đương 549 tỷ euro – đối mặt nguy cơ bị đánh thuế. Riêng lĩnh vực ô tô, Mỹ nhập khẩu từ EU hơn 52 tỷ USD trong năm ngoái, trong khi chỉ xuất khẩu khoảng 11,3 tỷ USD. Nếu EU đáp trả bằng mức thuế tương tự, ngành xe hơi Mỹ sẽ bị thiệt hại nặng nề.
Căng thẳng cũng lan sang lĩnh vực hàng không. Ryanair, khách hàng lớn nhất của Boeing tại châu Âu, đã cảnh báo có thể hủy đơn hàng 33 tỷ USD nếu thuế mới khiến chi phí tăng quá mức. Trong khi đó, nhiều hãng hàng không lớn ở EU như Lufthansa, Air France-KLM cũng thể hiện quan điểm tương tự. Ngoài ra, các hãng hàng không của Trung Quốc cũng đang ngừng tiếp nhận máy bay Boeing mới cũng gây áp lực mạnh lên Boeing
Một điều đáng chú ý là trong hơn bốn thập kỷ, ngành hàng không đã được miễn thuế theo thỏa thuận năm 1979 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, tranh chấp giữa Boeing và Airbus từng dẫn đến các đòn áp thuế trả đũa dưới thời ông Trump, chỉ được gỡ bỏ vào năm 2021. Giờ đây, các biện pháp đó có nguy cơ quay trở lại.
Ông Guillaume Faury, CEO của Airbus, lên tiếng ủng hộ hành động cứng rắn từ phía EU: “Nếu đàm phán không mang lại kết quả, châu Âu cần phản ứng tương xứng. Mức thuế tương tự nên được áp dụng với máy bay Mỹ.”
Theo nguồn tin thân cận, EU đang soạn thảo một tài liệu chính sách sẽ được chia sẻ với phía Mỹ trong tuần này. Trong đó, EU đề xuất giảm rào cản thương mại – bao gồm thuế quan và phi thuế – đồng thời mở rộng đầu tư tại thị trường Mỹ như một phần của nỗ lực tháo gỡ căng thẳng.
Trong khi EU nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, thông điệp được gửi đi rất rõ ràng: nếu Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách thương mại đơn phương, châu Âu sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” để bảo vệ lợi ích của mình.